Tin tức

Thế nào là tự lập ở trẻ

Brighton Montessori

Thế nào là tính tự lập ở trẻ? Tính tự lập là một trong những đức tính quan trọng trong nhân cách của con người. Tính tự lập sẽ giúp con người chủ động, dễ thích ứng và hòa nhập với hoàn cảnh thực tiễn và có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống. Vì vậy, việc rèn luyện tính tự lập ngay từ còn bé là điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ tự tin và có trách nhiệm với bản thân mình. Để tìm hiểu sâu hơn về tính tự lập ở trẻ là gì và biện pháp rèn tính tự lập ở trẻ mầm non, chúng ta cùng Brighton đọc bài viết hôm nay nhé.

The nao la tu lap o tre

Thế nào là tự lập ở trẻ?

Hiện nay khái niệm về sự tự lập ở trẻ đối với một số phụ huynh còn khá mơ hồ. Đặc biệt tại Việt Nam, ông bà và một số bố mẹ không có ý định cho trẻ tự lập ở lứa tuổi dưới 12 và liệu đây có phải là đang thương con hay không? Nhiều người cho rằng muốn tự lập thì khi nào trưởng thành trẻ sẽ biết tự lập, trẻ nhỏ không cần phải tự lập bởi ông bà và bố mẹ có nhiệm vụ phải làm chăm sóc trẻ.

Theo Tâm lý học: Tính tự lập là một phẩm chất trong nhất cách xuất hiện trong sáng kiến, phê bình, tự đánh giá bản thân một cách tương ứng và trong tình cảm thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với hoạt động, hành động của mình.

Theo I.S.Kon: Tính tự lập là một phẩm chất trong nhân cách thể hiện khả năng tự đưa ra và thực hiện các quyết định mà không cần sự nhắc nhở từ bên ngoài, thể hiện trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân, sự tin tưởng hành vi của mình là đúng và có ý nghĩa xã hội.

Mặc dù có những cách diễn đạt khác nhau nhưng trong khái niệm của các nhà nghiên cứu đều có nội hàm chung khi nhận định về tính tự lập:

  • Là một phẩm chất tâm lý của nhân cách, biểu hiện ở nhu cầu của cá nhân trong hoạt động;
  • Là khả năng của cá nhân (tự đưa ra quyết định, tự thực hiện hoạt động, không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác;)
  • Tự chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân và tự kiểm soát hoạt động của mình với sự nỗ lực của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ.

Từ các quan điểm trên, ta có thể đưa ra kết luận tổng quát về khái niệm tính tự lập như sau: Tính tự lập là một phẩm chất nhân cách, thể hiện ở năng lực của cá nhân biết tự đưa ra quyết định và tự thực hiện quyết định đã lựa chọn mà không phụ thuộc, dựa dẫm nhờ vả người khác vào người khác, luôn cố gắng nỗ lực và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của bản thân để thực hiện mục đích đề ra.

Tính tự lập của trẻ mầm non là một phẩm chất tâm lý được thể hiện qua năng lực tự đưa ra sự lựa chọn, tự làm, tự thực hiện công việc theo quyết định của cá nhân trẻ hoặc nhiệm vụ được giao đến cùng với sự cố gắng của bản thân để hoàn thành mục đích đề ra.

Trẻ nhỏ không thể tự lập và học cách tự lập khi được yêu thương quá nhiều

Trẻ nhỏ không thể tự lập và học cách tự lập khi được yêu thương quá nhiều, là hiện trạng của nhiều gia đình tại Việt Nam. Có lẽ đây là “truyền thống bảo bọc” sinh ra từ sự yêu thương của các thành viên trong gia đình dành cho một đứa trẻ, điều này đặc biệt xuất hiện ở các gia đình ít con.

Sự yêu thương của chúng ta là không để trẻ tự làm bất kỳ điều gì kể cả là việc cá nhân của trẻ từ việc ăn, ngủ, chơi, vệ sinh cá nhân,… tất cả mọi việc của con trẻ bị người lớn can thiệp vào quá nhiều khiến đứa trẻ trở nên phụ thuộc và từ đó sinh ra sự ĩ lại. Chính vì vậy nếu thương con hãy để chúng học cách tự lập từ nhỏ.

Vai trò của tính tự lập đối với sự phát triển nhân cách của trẻ là gì?

Tính tự lập có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhân cách của trẻ và tính tự lập giúp trẻ phát triển thể chất: Tính tự lập giúp trẻ cảm thấy tự tin, chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động hằng ngày, tăng cường sự phối hợp các vận động tay, chân và toàn bộ cơ thể,…Khi trẻ tự tin, tích cực tham gia hoạt động và vận động nhiều hơn sẽ giúp tâm thế của trẻ thoải mái, vui vẻ, phấn khởi từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần.

Thứ hai, tính tự lập giúp trẻ phát triển những biểu hiện tâm lý: Tính tự lập của trẻ phát triển sẽ giúp trẻ tự biết suy nghĩ, biết tư duy để tự biết lựa chọn cách làm, thao tác,…trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như tự mặc quần áo, tự đi giày dép,…Điều này sẽ nâng cao sự hiểu biết của trẻ, giúp trẻ rèn luyện khả năng ghi nhớ, tư duy, tưởng tượng,…

Thứ ba, tính tự lập góp phần làm giàu cảm xúc, tình cảm của trẻ. Khi trẻ có tính tự lập trong hoạt động tức là trẻ được tự làm, tự hoạt động theo nhu cầu, sở thích và quyết định của mình. Điều này làm cho trẻ cảm thấy tự hào, kiêu hãnh để tự khẳng định mình với người khác, hình thành cảm xúc tình cảm tốt đẹp cho trẻ trong hoạt động.

Thứ tư, tính tự lập phát triển góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ: Khi tính tự lập phát triển, trẻ biết thể hiện nhu cầu, sở thích,…thông qua cử chỉ, lời nói và hành động thông qua các hoạt động hằng ngày.

Thứ năm, tính tự lập gắn chặt với ý chí và nỗ lực của trẻ. Khi trẻ đã tự làm được các công việc đơn giản như mặc quần áo, đi giày dép,…sẽ khiến trẻ tự hào và hãnh diện vì tự mình đã làm được. Điều này sẽ khích lệ trẻ cố gắng, nỗ lực hơn trong các hoạt động tiếp theo.

Thứ sáu, tính tự lập giúp trẻ có khả năng thích ứng, hòa nhập tốt hơn: Khi trẻ tự lập, bé sẽ dễ dàng thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh thay đổi,…trẻ sẽ không gặp khó khăn trong sinh hoạt, không phụ thuộc vào người khác mà tự mình có thể làm được.

Tóm lại, tính tự lập là một phẩm chất vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người nói chung và của trẻ mầm non nói riêng. Giai đoạn mầm non là độ tuổi phát triển tốt, là tiền đề cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho giai đoạn tiếp theo.

Sự hình thành và phát triển tính tự lập của trẻ mầm non

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, tính tự lập của trẻ không phải sinh ra đã có mà được hình thành và phát triển trong từng giai đoạn.

Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã xuất hiện nhu cầu như được ăn, uống và nhu cầu vận động như tự bò, tự đi,…nhu cầu hoạt động với đồ vật như tự lấy đồ chơi, tự chơi một mình,…Lúc này, tính tự lập của trẻ thuần túy ở các hành động đơn giản để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và biểu hiện mờ nhạt nhưng cũng là điều kiện thúc đẩy sự phát triển tính tự lập của trẻ sau này:

Từ 1 đến 2 tuổi, biểu hiện tính tự lập của trẻ đã rõ hơn. Trẻ thích được hoạt động với đồ vật, biết thao tác, hành động với đồ vật như tự chơi với đồ chơi, tự lấy và cất đồ dùng,…Trẻ biết tự cầm cốc uống nước, tự xúc ăn, tự lấy giày dép,…Mặt khác, khi trẻ được thỏa mãn nu cầu hay hoàn thành việc gì đó và được người lớn khen, trẻ đã bắt đầu biết thể hiện cảm xúc như thích thú, vui vẻ,…

Từ 2 đến 3 tuổi, tính tự lập của trẻ được phát triển và biểu hiện rõ hơn so với giai đoạn trước. Trẻ có nhu cầu chơi với đồ chơi, biết chơi với bạn, biết tự lấy và cất đồ chơi theo quy định. Trẻ có những hành vi tự lập trong lao động và tự phục vụ như tự ăn, tự uống,…bắt chước những hành động đơn giản của người lớn như tự chải tóc, chọn quần áo,…Lúc này, hành động của trẻ tuy có thành thạo hơn giai đoạn trước nhưng chưa khéo léo, còn phụ thuộc vào điều kiện và sự hướng dẫn của người lớn. Khi được thỏa mãn nhu cầu hoạt động, trẻ thể hiện bằng sự thích thú, vui vẻ.

Từ 3 tuổi, tính tự lập của trẻ bộc lộ rõ hơn như trẻ không chỉ bắt chước đơn thuần hành động của người lớn mà còn rất thích được tự làm thể hiện qua lời nói “con có thẻ tự làm”, “để con tự làm”,…Lúc này, thao tác, hành động của trẻ còn vụng về và trẻ không hiểu tại sao mình lại hành động như thế nhưng trẻ đã có những biến đổi căn bản trong hành vi, chuyển từ hành vi bộc phát sang hành vi mang tính xã hội. Đó là quá trình hình thành động cơ của hành vi, là cơ sở tốt cho giai đoạn tiếp theo.

Từ 4 tuổi trở lên, thao tác và hành động của trẻ trong hoạt động hằng ngày trở nên thành tạo hơn. Lúc này, vai trò của người lớn đã giảm dần, trẻ chủ động hơn. Tính chủ động còn được thể hiện rõ trong hoạt động vui chơi, trẻ tự chọn chủ đề và nội dung chơi, lựa chọn bạn cùng chơi và tự do tham gia vào trò chơi mà trẻ thích. Trẻ thích tự tay trải nghiệm mọi hoạt động từ trong nhà ra ngoài xã hội, biết phân biệt rõ mình là người khác, biết so sánh. Trẻ quan tâm và chú ý đến nhận xét của mọi người đến bản thân. Do đó, từ giai đoạn này, người lớn cần quan tâm để có những nhận xét, đánh giá đúng với khả năng của trẻ, giúp trẻ tích cực, nỗ lực hơn trong hoạt động.

Một số biện pháp rèn tính tự lập cho trẻ mầm non

Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch giáo dục rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho trẻ

Rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho trẻ ngay từ ban đầu là điều vô cùng quan trọng, hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là giữ vai trò quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này cho trẻ. Các kỹ năng cần rèn luyện cho trẻ ngay từ đầu bao gồm:

  • Kỹ năng tự phục vụ bản thân: Bao gồm các hoạt động như tự nhặt đồ chơi, tự cởi và mặc quần áo, tự rửa mặt, rửa tay, tự đi dép, lấy và cất đồ dùng cá nhân,…
  • Kỹ năng giữ gìn vệ sinh: Gồm các hoạt động cơ bản sau; tự thay quần áo khi thấy bẩn, tự súc miệng bằng nước sau khi ăn xong, lau nước trên sàn, lau bụi trên bàn, xả nước sau khi đi vệ sinh, đi vệ sinh đúng nơi quy định, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và khi tay bị bẩn,…
  • Kỹ năng hỗ trợ người khác: Lấy, cất đồ dùng học tập, chuẩn bị bàn ăn, giường ngủ, ly ly nước uống khi được nhờ, xách phụ đồ,…

Việc xác định những kỹ năng này sẽ giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động, công việc mình làm và giúp trẻ dần ý thức hơn trong từng hành động.

Biện pháp 2: Khảo sát khả năng tự lập của trẻ

Ngay từ những ngày đầu đi học, giáo viên nên tiến hành khảo sát trẻ theo những kỹ năng cần thiết để giáo dục tính tự lập cho trẻ một cách hợp lý. Từ kết quả khảo sát, giáo viên sẽ tiến hành định hướng cho trẻ những làm những hành động cụ thể.

Biện pháp 3: Tạo môi trường giáo dục cho trẻ

Có thể nói, môi trường giáo dục có ảnh hưởng lớn, quyết định đến kết quả giáo dục trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được lựa chọn hoạt động phù hợp và khuyến khích trẻ tích cực tham gia bộc lộ khả năng từ đó hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Môi trường trong lớp gồm các góc hoạt động, đồ dùng học tập giúp trẻ lĩnh hội kiến thức và kỹ năng. Môi trường ngoài lớp như góc thiên nhiên, cây cối,… để trẻ hình thành tình cảm xã hội và phát triển thể chất.

Biện pháp 4: Luyện tập cho trẻ những việc tự phục vụ vừa sức mình

Tự tay làm những công việc mà mình thích sẽ khiến trẻ cảm thấy phấn khởi và có động lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, giáo viên nên cùng làm với trẻ kết hợp với giảng dạy, giải thích cho trẻ biết ký do và cách thực hiện sau đó dần để trẻ tự mình thực hiện.

Biện pháp 5: Tuyên truyền phối hợp với phụ huynh cùng giáo dục tính tự lập cho trẻ.

Để công tác giáo dục tính tự lập cho trẻ thành công, cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Do đó, giáo viên nên tuyên truyền với phụ huynh hiểu thế nào là cho trẻ tự lập, tự làm những việc trong khả năng của trẻ và bố mẹ chỉ nên là người hướng dẫn, không nên làm cho trẻ hết mọi việc. Việc tuyên truyền với phụ huynh vào công tác giáo dục tính tự lập cho trẻ nên có sự thống nhất về nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức.

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
  • Trang chủ
  • Phone